Dự kiến đặc khu sẽ tập trung chủ yếu vào 13 huyện đảo (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 07/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 5, làm rõ về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi vào tháng 2 vừa qua, song khi đó chưa đặt vấn đề xây dựng mô hình chính quyền hai cấp.
Từ chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện dự luật theo hướng đổi mới tư duy, cải cách thực chất bộ máy chính quyền địa phương và hoạt động công vụ.
Một trong những nội dung căn cốt của dự luật là việc xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu), thay cho mô hình 3 cấp hiện nay. Trong đó, đặc khu sẽ tập trung chủ yếu vào 13 huyện đảo.
Cụ thể, Dự thảo luật sửa đổi theo hướng không tổ chức cấp huyện, mô hình chính quyền địa phương chỉ còn 2 cấp gồm tỉnh và xã. Trong đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành, gồm tỉnh, thành phố. Cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (được tổ chức tại hải đảo). Cùng đó là đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt, được giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập. Tại Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các huyện đảo, thành phố đảo sẽ chuyển thành 13 đặc khu, gồm: (1) Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); (2) Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang); (3) Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); (4) Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh); (5) Cát Hải (TP. Hải Phòng); (6) Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng); (7) Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa); (8) Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng); (9) Phú Quý (tỉnh Bình Thuận); (10) Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang); (11) Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); (12) Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); (13) Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đối với chính quyền cấp tỉnh, để thực hiện nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn hiện hành, dự thảo luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… ở địa phương. Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp xã sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã |
Xem thêm nội dung Kỳ họp thứ 9.