Đề xuất tăng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại

23/05/2025 19:10 PM

Bộ Tư pháp Đề xuất tăng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại tại Dự thảo Luật Thi hành án dân sự.

Bộ Tư pháp: Đề xuất tăng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại

Bộ Tư pháp: Đề xuất tăng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại (Hình từ Internet)

Đề xuất tăng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại

Theo Dự thảo Tờ trình Luật Thi hành án dân sự, Luật THADS hiện hành không quy định về hoạt động của Thừa phát lại mà do Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định. Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động THADS theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy THADS, cắt giảm biên chế, cần phải tạo điều kiện, đẩy mạnh hoạt động THADS của Thừa phát lại, dự thảo đã dành Chương III (là một chương mới) quy định về hoạt động THADS của Thừa phát lại. Theo đó quy định các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi tổ chức thi hành án của Thừa phát lại; Nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong hoạt động THADS; Quyền yêu cầu thi hành án, thủ tục, thẩm quyền ra quyết định thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế của Thừa phát lại...

Điều 72 Dự thảo Luật Thi hành án dân sự. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại, Trưởng văn phỏng thừa phát lại

(1) Trưởng văn phòng thừa phát lại, Thừa phát lại thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Trường hợp Chương này có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chương III Luật Thi hành án dân sự.

(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại:

** Phương án A (thẩm quyền đầy đủ): Một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên như sau:

- Tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;

- Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án;

- Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án theo quy định của Luật này;

- Yêu cầu cơ quan công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật;

- Áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác;

- Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

** Phương án B (không được cưỡng chế có huy động lực lượng): Một số nhiệm vụ quyền hạn của Chấp hành viên như trên, trừ trường hợp đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

Ngoài ra, hoàn trả cho văn phòng thừa phát lại khoản tiền mà tổ chức này đã bởi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp Thừa phát lại có lỗi, gây thiệt hại.

(3) Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng văn phòng thừa phát lại:

- Đề nghị Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án, ra quyết định cưỡng chế thi hành án;

- Một số nhiệm vụ, quyền hạn quy định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án:

+ Ra quyết định thi hành án và các quyết định, văn bản khác về thi hành án theo thẩm quyền;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án, phối hợp tổ chức thi hành án;

+ Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa, bổ sung, bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;

+ Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định trong trường hợp phát hiện hoặc nhận thấy có căn cứ theo quy định của pháp luật;

+ Trả lời kháng nghị, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát;

+ Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại quy định tại (2);

+ Trích nộp một phần chi phi thực hiện công việc thi hành án của Thừa phát lại để phục vụ công tác quản lý tổ chức và hoạt động Thừa phát lại;

+ Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho mình và cho Thừa phát lại thuộc văn phòng:

+ Bồi thường thiệt hại đối với các hành vi vi phạm pháp luật của mình hoặc của Thừa phát lại thuộc văn phòng gây ra trong quá trình tổ chức thi hành án;

+ Thực hiện yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động thi hành ẩn; báo cáo, kiểm tra, thanh tra, kháng nghị, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và các yêu cầu khác theo quy định của Chính phủ; cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động thi hành án; báo cáo, kiểm tra.

Xem thêm tại Dự thảo Tờ trình Luật Thi hành án dân sự.

Chia sẻ bài viết lên facebook 7

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079