Pod là một thuật ngữ dùng để chỉ một loại thuốc lá điện tử thế hệ mới, thường được gọi là Pod System hoặc Pod Mod.
Điểm khác biệt chính của Pod so với các loại thuốc lá điện tử đời đầu (Vape) là nhỏ gọn, đơn giản và thường sử dụng tinh dầu có nồng độ nicotine cao hơn.
Cụ thể theo Nghị quyết 173/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 14/01/2025) Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Như vậy, khi xác định Pod là thuốc lá điện từ, Pod bị cấm ở Việt Nam, mọi hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng (hút) Pod đều bị cấm.
Hiện nay mặc dù Quốc hội đã thống nhất cấm thuốc lá điện tử (trong đó có Pod) nhưng vẫn chưa có chế tài hành chính để xử phạt hành vi chứa chấp, hút Pod.
Mới đây, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong đó bổ sung khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như sau:
Thuốc lá điện tử bao gồm thiết bị điện tử và dung dịch thuốc lá điện tử, được làm nóng khi dùng để tạo ra khí hơi cho người dùng hít vào; có bề ngoài giống sản phẩm thuốc lá điếu hoặc các hình dạng khác, bao gồm loại chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, được thiết kế để có thể dùng một lần hoặc tái nạp dung dịch thuốc lá điện tử để dùng nhiều lần.
Thuốc lá nung nóng bao gồm thiết bị điện tử và sản phẩm chứa sợi thuốc lá, bột thuốc lá hoặc các chất liệu khác tẩm nicotine có hình dạng điếu thuốc lá, dạng viên nang hoặc các dạng khác; không đốt cháy trực tiếp như đối với thuốc lá điếu để tạo ra các khí hơi; bao gồm cả sản phẩm lai có chứa dung dịch thuốc lá điện tử.
Đồng thời, đề xuất mức phạt với vi phạm quy định sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại (1) nêu trên đối với hành vi tái phạm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định nêu trên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng;
b) Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Như vậy, nếu được ban hành thì hành vi hút Pod có thể bị phạt tới 2 triệu đồng, nếu tái phạm thì bị phạt gấp đôi.