Yêu cầu xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân

08/05/2025 14:40 PM

Thảo luận tại cuộc họp ngày 07/5/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân.

Yêu cầu xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân (Hình ảnh từ Internet)

Yêu cầu xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 07/5/2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Yêu cầu xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 5, làm rõ về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi vào tháng 2 vừa qua, song khi đó chưa đặt vấn đề xây dựng mô hình chính quyền hai cấp.

Từ chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện dự luật theo hướng đổi mới tư duy, cải cách thực chất bộ máy chính quyền địa phương và hoạt động công vụ.

Bộ trưởng thông tin Ban soạn thảo lần này sẽ quyết định sửa đổi toàn diện, căn bản dự luật với triết lý cải cách, tư duy đổi mới, tiến bộ và phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là thời điểm đặt ra yêu cầu rất cao về quản trị quốc gia, xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, đồng thời hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ.

Một trong những nội dung căn cốt của dự luật là việc xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu), thay cho mô hình 3 cấp hiện nay. Trong đó, đặc khu sẽ tập trung chủ yếu vào 13 huyện đảo.

Bộ trưởng dẫn lại định hướng tại Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 137 của Bộ Chính trị, trong đó yêu cầu xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, lại đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết mô hình này vừa mang tính phổ quát, được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng, vừa phù hợp với đặc thù tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam.

Theo đó, khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên cần nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tránh để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc; đồng thời, cần tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của người dân với tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, để không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, gần dân, sát dân, hiểu và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết công việc và trước khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Bên cạnh đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là có cơ chế để khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Như vậy “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” là mô hình đề cao văn hóa ứng xử của chính quyền với nhân dân, vì lợi ích nhân dân để phục vụ. Là bước tiến quan trong để chuyển đổi cơ chế quản lý từ mệnh lệnh - hành chính sang hành chính - phục vụ. Chính quyền tạo nên sự thân thiện, trọng dân, gần dân, gắn kết, chia sẻ. Đồng thời, từng bước đổi mới tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Hiệu quả của mô hình được “đo” bằng sự hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với mục tiêu tôn chỉ cho hành động là tất cả vì lợi ích của nhân dân. Đây thực sự là mô hình chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp và thể hiện bản chất dân chủ của chế độ ta.

Tại Công văn 48/CV-BCĐTKNQ18 năm 2025 Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 đã có các chỉ đạo cụ thể về việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ 2025Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp như sau:

(1) Xác định rõ các vấn đề ưu tiên, cấp bách của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; rà soát tổng thể hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan;

- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh kịp thời thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng bộ với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tạo hành lang pháp lý, kịp thời xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 192/2025/QH15. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

(2) Bám sát các nội dung yêu cầu nhiệm vụ tại Quyết định 608/QĐ-TTg năm 2025, Quyết định 758/QĐ-TTg năm 2025, Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nhiệm vụ triển khai xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

(3) Một số yêu cầu chung khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

- Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Tổng Bí thư và quan điểm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp tạo sự chủ động cho địa phương theo tinh thần: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

- Đối với những vấn đề xác định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần làm rõ cơ sở đề xuất bảo đảm những vấn đề này là những vấn đề cơ bản, quan trọng của Quốc gia, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

- Căn cứ nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ 2025Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, yêu cầu: 

+ Không quy định tên bộ, ngành và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của bộ, ngành vào trong Luật (không phân quyền trực tiếp cho các Bộ trưởng tại Luật Bảo đảm Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực, thực hiện phân công phạm vi quản lý nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; 

+ Xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, tránh đầy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công quản lý).

Kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Nội vụ (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) định kỳ trước ngày 20 hàng tháng để theo dõi, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Xem thêm nội dung tại Kỳ họp thứ 9.

Chia sẻ bài viết lên facebook 17

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079