Địa điểm, di tích lịch sử gắn liền dịp lễ 30 4, kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước tại TPHCM (Hình ảnh từ Internet)
Dưới đây là một số địa điểm, di tích lịch sử gắn liền với dịp lễ 30/4 (Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước) mà người dân cần biết:
(1) Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh)
Dinh Độc Lập là chứng nhân quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cụ thể, 50 năm trước, hai xe tăng mang số hiệu 843 và 390 đã lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính của dinh, mở đường cho Trung úy Bùi Quang Thận cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc dinh, chiến thức khép lại 30 năm chiến tranh gian khổ và kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ngày nay, Dinh Ðộc Lập là di tích quốc gia đặc biệt được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố.
Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
(2) Khu di tích Địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về phía Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là biểu trưng cho mưu trí, khả năng biến hóa và sáng tạo, cùng tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Củ Chi trong suốt 30 năm kháng chiến. “Kỳ quan” đánh giặc độc đáo này dài khoảng 250km, tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất và bao gồm nhiều công trình liên hoàn như chiến hào, hầm trú ẩn, kho lương thực, giếng nước, bếp Hoàng cầm…
Địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, là một công trình độc đáo với hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, dài trên 200km, trong đó bao gồm nơi ăn ở, hội họp, chiến đấu...
Với giá trị và tầm vóc lịch sử to lớn, Địa đạo Củ Chi đã thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn hấp dẫn khách tham quan bởi món khoai mì thơm ngọt, dẻo bùi đặc trưng. Ngoài ra, địa đạo cũng có các trò chơi cảm giác giác mạnh như trượt zipline, nhảy tarzan và “vượt chướng ngại vật trên cây”, lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá và thử thách bản thân.
Địa chỉ: Ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
(3) Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn
Năm 1966, ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai), anh hùng Biệt động Sài Gòn, đã mua căn nhà để giấu vũ khí phục vụ các trận đánh Dinh Độc Lập trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông lấy cớ sửa nhà để che mắt địch, đưa vợ con về Gò Vấp, một mình ở lại, đào hầm. Căn hầm hoàn thành sau 7 tháng, dài 2 m, rộng 1,2 m, cao 2,5 m, với 4 cửa thoát. Vách và nền bằng xi măng dày chống thấm.
Tổng số vũ khí cất giấu tại hầm trong giai đoạn 1966-1968 là hơn 2 tấn. Ngày nay, cửa sắt ngôi nhà vẫn còn những vết đạn. Nơi này mở cửa cho khách tham quan từ 2018, hoạt động dưới hình thức một quán cà phê, trưng bày nhiều hiện vật gắn với hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đây là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Địa chỉ: 287/70, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3
(4) Bảo tàng thông minh Tình báo Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Các dấu tích của Biệt động Sài Gòn còn được lưu giữ tại một bảo tàng nằm trong căn nhà hơn 50 năm tuổi trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ngôi nhà cũng từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Năm Lai. Bảo tàng đón khách từ 24/12/2019.
Bảo tàng có diện tích hơn 100 m2, trưng bày hơn 100 hiện vật của những người lính biệt động. Lối vào có một màn hình chạm tổng hợp thông tin về lịch sử hình thành, phát triển, những trận đánh, các di tích còn lại của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Các đồ vật như bàn, ghế, tủ... trong nhà vẫn còn nguyên và được bài trí gần giống trước kia. Khách tham quan được xem những bộ phim ngắn về lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Địa chỉ: 145, đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1
(5) Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác
Đặc khu Rừng Sác cách trung tâm TP HCM gần 2 tiếng di chuyển bằng ôtô. Di tích từng là "căn cứ nổi" của quân và dân miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là một vùng rừng đước, chà, đồng thời là nơi tập hợp của hàng trăm sông rạch lớn nhỏ, tạo nên những đảo nổi.
Di tích từng có tên Lâm Viên Cần Giờ, diện tích hơn 2.000 ha, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Căn cứ tái hiện lại toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa. Đến đặc khu rừng Sác, du khách có thể xem lại mô hình nhà cảnh vệ với vòng ngoài gồm những bãi chông cọc đước, chông đinh, mìn và hỏa lực đánh chặn từ xa. Vòng trong bố trí các quả mìn gài sẵn để đánh bật quân địch tiếp cận căn cứ. Ngoài ra còn có các hầm trú ẩn chữ A, chữ T, chữ H, khu vực quân y, xưởng quân giới.
Địa chỉ: Huyện Cần Giờ
* Lưu ý: Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo
Các hoạt động tổ chức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao dịp lễ 30 4, kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước
Căn cứ theo tiểu mục 5 Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/BTGDVTW năm 2025, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30 tháng 4 như sau:
- Tổ chức Chương trình cầu truyền hình trực tiếp chính luận, nghệ thuật tại 03 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị và bắn pháo hoa nổ tầm cao chào mừng: Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện.
- Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt:
(1) Tối ngày 29/4/2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện;
(2) Tối ngày 30/4/2025 do Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo định hướng tư tưởng các chương trình.
- Tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc Nam” và trình chiếu ánh sáng bằng Drone tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình: Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện.
- Tổ chức Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật; cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 37 - năm 2025 chủ đề “Non sông liền một dải”: Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
- Tổ chức Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật; các công trình văn học, nghệ thuật và tuyên dương các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu của Thành phố kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
- Tổ chức Chương trình biểu diễn nhạc kèn kết hợp biểu diễn các kỹ thuật trên ngựa: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Xem thêm Tổng hợp địa điểm xem diễu binh 30 4 đẹp nhất tại TPHCM.